7 xu hướng tái định hình bức tranh F&B trong năm 2025

2024 có thể xem là một năm đầy biến động đối với ngành F&B khi nhiều doanh nghiệp chưa có phương án linh hoạt để kịp thời thích ứng với xu hướng của ngành. Có thể nói, việc dự báo trước xu hướng kinh doanh là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp F&B. Tâm điểm của ngành dịch vụ ăn uống không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon. Vậy đâu sẽ là xu hướng giúp thương hiệu chiếm ưu thế trong bối cảnh ngành F&B luôn biến chuyển? Hãy cùng đưa ra một số dự đoán về xu hướng ngành F&B Việt Nam vào năm 2025, được chúng tôi đúc rút từ các nghiên cứu thị trường mới nhất.

1. Trọng tâm: Phát triển bền vững

Theo dự báo, thị trường F&B xanh tại Việt Nam tăng trưởng 25% trong năm 2025 (VIRAC, 2024), phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp F&B.

Điều này càng trở nên cấp thiết khi 70% người tiêu dùng Gen Z – nhóm có sức mua ngày càng tăng – ưu tiên lựa chọn các thương hiệu thân thiện với môi trường. Đặc biệt, lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần từ 2024 tại các trung tâm thương mại lớn, cùng với chi phí sản xuất bao bì thân thiện môi trường giảm 30% so với 2023 đang tạo ra cả áp lực và cơ hội cho doanh nghiệp F&B chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, việc lấy phát triển bền vững làm trung tâm còn có tác động lớn đến việc xây dựng thương hiệu: Các nhà hàng có thể “chiếm lấy cảm tình” của thực khách thông qua việc truyền thông về sự minh bạch trong nguồn thực phẩm hay nỗ lực giảm thiểu rác thải, từ chất lượng món ăn đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, niềm tin của khách hàng sẽ dần được bồi đắp. Do đó, những doanh nghiệp không bắt kịp xu hướng này sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh có chiến lược phát triển bền vững rõ ràng.

user image

2. Sự nở rộ của Ghost Kitchen

Thị trường giao đồ ăn online dự kiến đạt 2.2 tỷ USD vào 2025 (Vietnam Digital Economy Report 2024). Chi phí mặt bằng tại các thành phố lớn tăng 15-20% mỗi năm, ghost kitchen (bếp ma) đang trở thành mô hình kinh doanh tất yếu cho ngành F&B Việt Nam. Điều này được minh chứng qua việc 45% start-up F&B mới chọn mô hình này để khởi nghiệp, trong khi các nền tảng lớn như GrabKitchen và Bếp Trung Tâm đang lên kế hoạch mở rộng thêm 50 địa điểm trong 2025.

Hơn nữa, nhờ đặc trưng về tính linh hoạt, mô hình bếp ma mở đường cho nhiều concept ẩm thực khác nhau được thử nghiệm với chi phí thấp, tạo nên sự đa dạng trong món ăn với chất lượng ổn định và giá cả hợp lý – những yếu tố mà khách hàng tìm kiếm ở một nhà hàng. Thêm vào đó, khả năng tiết kiệm chi phí vận hành và tối ưu hóa quy trình giao hàng khiến ghost kitchen không chỉ là xu hướng nhất thời mà sẽ định hình lại cách thức vận hành của ngành F&B trong tương lai gần.

3. Trải nghiệm cá nhân hóa vẫn là xu thế 

Theo Vietnam Comsumer Trend 2024, 85% khách hàng kỳ vọng trải nghiệm được cá nhân hóa (Vietnam Consumer Trend 2024) và đầu tư vào công nghệ CRM của ngành F&B dự kiến tăng 40% trong 2025, việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng đã trở thành yếu tố sống còn với doanh nghiệp F&B. Bằng cách tận dụng dữ liệu để nắm bắt sở thích và thói quen tiêu dùng, nhà hàng có thể tối ưu hóa thực đơn và dịch vụ, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thực khách.

Cá nhân hóa còn tạo điều kiện để nhà hàng xây dựng mối quan hệ thân thiết, khi thực khách cảm nhận được sự quan tâm và thấu hiểu từ thương hiệu. Trong thời đại công nghệ số, ứng dụng AI và hệ thống quản lý khách hàng (CRM) đang trở thành công cụ đắc lực để triển khai các trải nghiệm cá nhân hóa một cách hiệu quả. Đây chính là chiến lược giúp các thương hiệu khẳng định vị thế và gia tăng cơ sở khách hàng trung thành.

4. Sức hấp dẫn của đặc sản địa phương

Việc tập trung vào món đặc sản vùng miền giúp nhà hàng tạo ra điểm khác biệt rõ nét trong thị trường cạnh tranh. Báo cáo của Bộ Văn hóa (2024) cho thấy 85% du khách chọn ẩm thực địa phương là lý do du lịch tại Việt Nam. Sử dụng nguyên liệu địa phương không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn đảm bảo độ tươi ngon, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Hơn nữa, kể chuyện về văn hóa qua ẩm thực không chỉ tạo ra trải nghiệm độc đáo mà còn khiến thực khách cảm thấy gắn kết hơn với điểm đến. Ngoài ra, việc quảng bá các món ăn địa phương còn giúp nhà hàng xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với giá trị văn hóa. Đối với du khách, thưởng thức món ăn bản địa không chỉ là một bữa ăn, mà còn là hành trình khám phá văn hóa và truyền thống đầy ý nghĩa. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến tính bền vững và ý nghĩa văn hóa trong lựa chọn ẩm thực.

5. Tiềm năng ngách: Ẩm thực lành mạnh

Với thị trường thực phẩm lành mạnh dự kiến đạt 2.5 tỷ USD vào 2025 và 78% người tiêu dùng thành thị đặt để mối quan tâm về dinh dưỡng (Nielsen Vietnam 2024), xu hướng ẩm thực lành mạnh vẫn tiếp tục mở ra cơ hội kinh doanh to lớn cho ngành F&B.

Trong năm tới, số lượng nhà hàng chay, thức ăn lành mạnh dự báo sẽ tăng 35% và 60% menu nhà hàng sẽ bổ sung các lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Đây không đơn thuần là xu hướng nhất thời mà là sự thay đổi căn bản trong nhận thức và hành vi tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp F&B phải nhanh chóng thích ứng để không bỏ lỡ thị phần tiềm năng này thông qua chiến lược phát triển các sản phẩm mới, gia tăng tính cạnh tranh và nâng cao nhận thức về thương hiệu.

6. Kết nối và sẻ chia qua ẩm thực 

Ngày nay, thực khách không chỉ tìm kiếm một bữa ăn ngon mà còn mong muốn một không gian để kết nối và sẻ chia. Điều này không còn xa lạ trong văn hóa Việt, khi mâm cơm là nơi để sum vầy bên những câu chuyện, tiếng cười với mọi khoảnh khắc quý giá được chia sẻ cùng nhau. Tuy vậy, nét văn hóa tưởng chừng đã quá quen thuộc này dự kiến sẽ “làm mưa làm gió” trong năm 2025.

Theo báo cáo từ Unilever Food Solutions (2024), 82% người Việt chọn nhà hàng làm địa điểm cho các dịp kỷ niệm và gặp gỡ quan trọng, trong khi chi tiêu cho ăn uống với mục đích giao lưu, kết nối dự báo tăng 35% vào 2025. Đáng chú ý, các nhà hàng tích hợp yếu tố văn hóa sum vầy vào trải nghiệm (như bàn tròn xoay, set menu chia sẻ, không gian riêng tư cho gia đình) ghi nhận doanh thu tăng 40% và tỷ lệ khách quay lại cao hơn 50% so với mô hình thông thường, theo nghiên cứu của Hiệp hội nhà hàng Việt Nam (2024). Do đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc đến sự linh hoạt chuyển đổi từ mô hình đơn thuần cung cấp món ăn sang kiến tạo không gian trải nghiệm, nơi thực khách không chỉ thưởng thức ẩm thực mà còn chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, từ đó xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng và tạo nên lợi thế cạnh tranh độc đáo trong thị trường F&B ngày càng bão hòa.

7. Tích hợp AI và tự động hóa

Việc AI xuất hiện trong lĩnh vực F&B vốn dĩ không còn quá xa lạ. Với khoản đầu tư dự kiến 200 triệu USD dành cho AI trong ngành F&B năm 2025 cùng với 50% chuỗi nhà hàng lớn lên kế hoạch ứng dụng AI vào quản lý vận hành (Hiệp hội nhà hàng Việt Nam, 2024), công nghệ và tự động hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để duy trì khả năng cạnh tranh, theo nghiên cứu của Hiệp hội nhà hàng Việt Nam, 2024.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, xu hướng này càng trở nên cấp thiết khi tự động hóa có thể giúp giảm 30% chi phí nhân công trong bối cảnh lương tối thiểu tăng, và 40% nhà hàng sẽ áp dụng hệ thống đặt món tự động qua QR code, phần mềm gọi món. Dưới sức ép của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, ngành F&B tưởng chừng như không mấy can dự nay đã không còn là ngoại lệ.

Như vậy, bức tranh ngày F&B năm 2025 có thể thay đổi với 7 xu hướng chính. Đầu tiên, phát triển bền vững không chỉ là một yêu cầu mà còn là yếu tố then chốt giúp các nhà hàng tạo dấu ấn với thực khách. Bên cạnh đó, sự nở rộ của mô hình bếp ma mở ra cơ hội tối ưu hóa chi phí và mở rộng dịch vụ giao hàng. Đồng thời, việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, chú trọng vào ẩm thực địa phương và các lựa chọn ẩm thực lành mạnh vẫn tiếp tục được người tiêu dùng chú trọng hơn bao giờ hết.
Cuối cùng, việc ứng dụng AI và tự động hóa trong vận hành sẽ là yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp F&B nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh. Nhìn nhận 2024 như một bài học về khả năng thích ứng, các nhà hàng cần chủ động đón đầu những xu hướng trên để tiếp tục tồn tại và tiến xa trong ngành F&B – một ngành công nghiệp khắc nghiệt và chưa bao giờ ngừng biến động.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Copy Protected by Chetan's WP-Copyprotect.